Giáo án dạy thêm môn Ngữ văn lớp 7
admin
2022-07-06T16:04:47+07:00
2022-07-06T16:04:47+07:00
https://linhhoitrithuc.com/giao-an-22/giao-an-day-them-mon-ngu-van-lop-7-616.html
https://linhhoitrithuc.com/uploads/news/nologo.png
Chia sẻ tài nguyên vô tận
https://linhhoitrithuc.com/uploads/logo_1.png
Giáo án dạy thêm Văn 7 năm 2021 - 2022
BUỔI 1:
TIẾT 1 + 2: CỦNG CỐ VÀ BÀI TẬP NÂNG CAO VỀ VĂN BẢN:
CỔNG TRƯỜNG MỞ RA - MẸ TÔI - CUỘC CHIA TAY CỦA NHỮNG CON BÚP BÊ
I. CỦNG CỐ LÝ THUYẾT:
1. Văn bản: Cổng trường mở ra
a. Xuất xứ:
- Là một bài báo của Lý Lan đăng trên báo “Yêu trẻ” số 166 phát hành ngày 01/9/2000 tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy là một bài báo nhưng bài viết này giàu chất văn chương. Tác giả đã viết bằng trải nghiệm và rung động của chính mình.
- Là văn bản nhật dụng nói về tình yêu thương vô bờ của bà mẹ và vai trò to lớn của nhà trường đối với cuộc sống mỗi con người.
b. Giá trị đặc sắc về nội dung, nghệ thuật:
- Hình thức tự bạch như những dòng nhật ký tâm tình (không có sự việc, không có cốt truyện, chủ yếu là diễn biến tâm trạng) lời nói nhỏ nhẹ mà sâu lắng, miêu tả nhân vật qua những suy nghĩ về nội tâm; diễn biến tâm trạng của nhân vật được miêu tả tinh tế, sâu sắc.
- Bài văn giúp ta hiểu thêm tấm lòng thương yêu, tình cảm sâu nặng của người mẹ đối với con và vai trò to lớn của nhà trường đối với cuộc sống con người.
2. Văn bản: Mẹ tôi
a. Tác giả:
- Ét-môn-đô-đơ A-mi-xi (1846 - 1908) là nhà văn nổi tiếng người I-ta-li-a (Ý). Tác giả của những cuốn sách: Cuộc đời của các chiến binh (Tập truyện ngắn, 1868), những tấm lòng cao cả (truyện thiếu nhi, 1886), cuốn truyện của người thầy 1890, giữa đường và nhà (tập truyện ngắn, 1892)... ông còn là nhà hoạt động xã hội, nhà văn hóa lớn của Ý.
b. Tác phẩm:
- Đoạn văn trích từ cuốn sách những tấm lòng cao cả (1886). Văn bản do Hoàng Thiếu Sơn dịch, gồm hai phần: Phần 1 là lời kể của En-ri-cô, phần 2 là toàn bộ bức thư của người bố gửi cho En-ri-cô.
- Những tấm lòng cao cả là truyện thiếu nhi nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Tác phẩm được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và làm say mê bao thế hệ phụ huynh, thế hệ thanh thiếu niên.
- “Dưới hình thức là tập nhật ký tròn một năm học của một cậu học sinh nhỏ, sách gồm nhiều mẩu chuyện ngắn có liên hệ với nhau, mô tả những hành động, ý nghĩ cũng như những tình cảm chân thật, hồn nhiên, trong sáng và sâu sắc như tình thương giữa bố mẹ và con, giữa thầy giáo, cô giáo với học sinh, giữa bạn bè cùng học; tình thương đối với những người nghèo khổ, bất hạnh; tình yêu và lòng tự hào về quê hương, tổ quốc mình, tình yêu lao động. Cũng có những mẩu chuyện đả kích những thói hư tật xấu như thói ghen tị, tật khoe khoang, tính kiêu ngạo... Các câu chuyện được trình bày một cách giản dị, sinh động, hiện thực mà nhiều khi hết sức cảm động. Quán triệt toàn bộ tác phẩm là lòng nhân đạo mênh mông”. (Trích “Lời giới thiệu” những tấm lòng cao cả do Lê Thị Nghiên - Lê Quang Huy dịch, NXB phụ nữ Hà Nội, 1974).
- Là văn bản nhật dụng nói về công lao và tình cảm của người mẹ đối với mỗi người.
c. Giá trị đặc sắc về nội dung, nghệ thuật:
- Giọng điệu vừa nghiêm khắc vừa chân thành, tha thiết; lời lẽ của người cha đầy sức thuyết phục, phù hợp lứa tuổi. Sáng tạo hoàn cảnh xảy ra chuyện: En-ri-cô mắc lỗi với mẹ. Lựa chọn hình thức biểu cảm trực tiếp vừa có ý nghĩa giáo dục, thể hiện thái độ nghiêm khắc của cha với con.
- Tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng nhất đối với mỗi con người. Người mẹ có vai trò vô cùng quan trọng trong gia đình.
3. Văn bản: Cuộc chia tay của những con búp bê:
a. Xuất xứ:
- Truyện ngắn: Cuộc chia tay của những con búp bê của tác giả Khánh Hoài được trao giải nhì trong cuộc thi thơ - văn viết về quyền trẻ em do Viện khoa học giáo dục và tổ chức cứu trợ trẻ em Rát-đa Bác-nen Thụy Điển tổ chức năm 1992.
b. Tóm tắt nội dung:
- Vì cha mẹ ly hôn nên hai anh em Thành và Thủy phải chia tay nhau. Buổi sáng hôm ấy, người mẹ yêu cầu hai anh em phải chia đồ chơi. Hai anh em miễn cưỡng thực hiện. Thành nhường cho Thủy hết. Thủy từ chối, lại nhường hết cho anh. Khó khăn nhất là việc chia hai con búp bê Vệ sĩ và Em nhỏ. Rốt cuộc, việc chia búp bê không thành. Sau đó, Thủy đến trường chia tay lớp học. Cô giáo Tâm tặng Thủy cuốn sổ cùng chiếc bút máy nắp vàng với lời chúc “Cố gắng học tập”. Nhưng sau đó cô giáo và các bạn đều hết sức bàng hoàng vì Thủy cho biết em sẽ phải bỏ học, phải đi bán hoa quả ở ngoài chợ. Cuộc chia tay diễn ra đột ngột khi hai anh em từ trường về. Thủy chạy vội vào nhà mở hộp đồ chơi ra. Tình thương anh trai đã khiến Thủy dứt khoát lấy con Vệ sĩ đặt lên giường anh, dặn dò nó, dặn dò anh trai và em khóc nức nở. Nhưng lên xe rồi, em lại trfo xuống đặt con Em nhỏ cạnh con Vệ sĩ. Thủy mong muốn búp bê mãi mãi ở bên nhau, không bao giờ phải xa nhau.
c. Giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật:
- Miêu tả tâm lý nhân vật sinh động, lời kể chân thành giản dị, phù hợp với tâm trạng của nhân vật.
- Tổ ấm gia đình là vô cùng quý giá và quan trọng. Mọi người hãy cố gắng bảo vệ gìn giữ, không nên vì bất kỳ lý do gì làm tổn hại đến những tình cảm tự nhiên trong sáng ấy.
II. BÀI TẬP VẬN DỤNG TRÊN LỚP:
1. Một bạn cho rằng, có rất nhiều ngày khai trường nhưng ngày khai trường để vào học lớp Một là ngày có dấu ấn sâu đậm nhất trong tâm hồn mỗi con người. Em có tán thành ý kiến đó không? Vì sao?
Gợi ý:
- Có thể tán thành (vì đây là thời điểm quan trọng đánh dấu mốc lớn trong cuộc đời của mỗi con người; lần đầu tiên con đến dự ngày khai trường, được gặp bạn mới, thầy mới; có cảm xúc hồi hộp, bỡ ngỡ, lo sợ, vui sướng...).
2. Hãy bình luận câu nói “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cổng trường là một thế giới kỳ diệu sẽ mở ra”.
Gợi ý:
- Câu văn thể hiện vai trò to lớn của giáo dục, của nhà trường đối với nhân cách mỗi con người. Gọi đó là “thế giới kỳ diệu” vì nhà trường là:
+ Là nơi khai sáng trí tuệ cho mọi người. Trường học là thế giới của ánh sáng tri thức khoa học, những hiểu biết lý thú và kỳ diệu mà loài người đã tích lũy qua hàng triệu năm nay về tự nhiên, văn hóa xã hội, thông qua các thầy cô nhà trường để đến với mọi người bắt đầu từ trẻ thơ.
+ Là nơi khơi nguồn những tình cảm cao quý, thiêng liêng: tình thầy trò, tình bè bạn, lòng nhân ái, đạo lý làm người.
+ Là nơi hình thành những nhân cách trong sáng và cao quý. Là thế giới kỳ diệu của những niềm vui và hy vọng.
3. Em hãy nhập vai vào người con trong văn bản để viết một đoạn văn ngắn bày tỏ tình cảm biết ơn đối với mẹ khi đọc văn bản này.
Gợi ý:
- Yêu cầu nhập vai, có nghĩa là đoạn văn sẽ là lời của người con nói với mẹ những suy nghĩ, tình cảm biết ơn của mình dành cho mẹ sau khi đọc xong văn bản này. Đoạn văn không cần dài mà đòi hỏi phải có cảm xúc thật chân thành, thiết tha. Ngoài tình cảm biết ơn, phải xen vào lời hứa. Có thể dựa vào phần ghi nhớ của bài học để bày tỏ suy nghĩ.
4. Văn bản là một bức thư của người bố gửi cho con, tại sao lại lấy nhan đề là mẹ tôi? (Hình như giữa nội dung và nhan đề không phù hợp?)
Gợi ý:
- Nhan đề do chính tác giả A-mi-xi đặt cho đoạn trích. Mỗi chuyện nhỏ trong tác phẩm đều có một nhan đề do tác giả đặt.
- Tuy bà mẹ không xuất hiện trực tiếp nhưng đó là tiêu điểm mà các nhân vật và chi tiết hướng tới để làm sáng tỏ. Tác giả sẽ dễ dàng mô tả cũng như bộc lộ những tình cảm và thái độ quý trọng của người bố đối với mẹ mới có thể nói một cách tế nhị và sâu sắc những gian khổ hy sinh mà người mẹ đã âm thầm lặng lẽ dành cho đứa con của mình. Thấy rõ hình ảnh và phẩm chất của người mẹ, điểm nhìn ấy một mặt làm tăng tính khách quan cho sự việc và đối tượng (người mẹ) được kể, mặt khác thể hiện được tình cảm và thái độ của người kể.
5. Tại sao người bố không nói trực tiếp với En-ri-cô mà lại viết thư?
Gợi ý:
- Tình cảm sâu sắc thường tế nhị và kín đáo, nhiều khi không nói trực tiếp được.
- Hơn nữa viết thư tức là chỉ nói riêng cho người mắc lỗi biết, vừa giữ được sự kín đáo, tế nhị vừa không làm người mắc lỗi mất lòng tự trọng.
- Viết thư, bố có đủ bình tĩnh để kiềm chế sự nóng nảy, có thời gian để cân nhắc cách dùng từ ngữ, lời lẽ, sắp xếp ý nghĩ cho chín chắn.
- Bên cạnh đó “lời nói gió bay” nhưng là một bức thư thì có thể lưu giữ cho người con đọc đi đọc lại, để thấm thía hơn lời dạy bảo của cha.
à Đây chính là bài học về cách ứng xử trong gia đình, ở nhà trường và ngoài xã hội.
6. Theo em, điều gì khiến En-ri-cô xúc động vô cùng khi đọc thư của bố? Sự xúc động trong tâm hồn của En-ri-cô đã thể hiện điều gì trong nhận thức của cậu trước lỗi lầm của mình?
Gợi ý:
- Trước hết bố đã chỉ ra lỗi lầm của cậu bé và bộc lộ rõ thái độ kiên quyết, nghiêm khắc, buồn bã, tức giận của mình để En-ri-cô phải suy nghĩ lại về hành động của mình.
- Sau đó bố gợi lại những kỷ niệm giữa mẹ và En-ri-cô để cậu bé nhớ lại. Với người mẹ, En-ri-cô là tài sản quý giá nhất trên đời. Ông đã nói cho cậu biết tình thương yêu bao la của mẹ dành cho cậu lúc còn thơ bé, công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của mẹ đối với con.
- Ông tiếp tục đánh thức lý trí của con, ông dạy con về đạo làm người mà trước hết là đạo làm con với những lời nói rất chân tình, thấu đáo và sâu sắc: “Tình thương yêu, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó”.
- Cậu đã nhận ra được lỗi lầm của mình, hiểu được công lao và vai trò của người mẹ trong cuộc đời. Hiểu được nỗi đau đớn của cha mẹ trước sự thiếu lễ độ của con và sửa chữa lỗi lầm.
7. Sau khi nhận được bức thư của bố, En-ri-cô rất hối hận và viết một bức thư để xin mẹ tha lỗi. Em hãy nhập vai vào nhân vật để viết bức thư ấy.
Gợi ý:
- Viết đúng hình thức của một bức thư.
- Nội dung phải diễn tả được sự hối hận day dứt, khẳng định lại công lao và tình thương của mẹ, lời hứa...
8. Nếu đặt tên truyện là “Búp bê không chia tay” hoặc “Cuộc chia tay của Thành và Thủy” thì ý nghĩa của truyện có khác đi so với tên truyện đang có không?
Gợi ý:
- Nếu đặt tên “Cuộc chia tay của Thành và Thủy” thì quá cụ thể, giảm mất ý nghĩa khái quát, tượng trưng.
- Nếu đặt tên là “Búp bê không chia tay” thì lộ rõ tư tưởng của tác giả, không gây được sự bất ngờ của đoạn kết.
- Đặt tên truyện “Cuộc chia tay của những con búp bê” vừa có ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng vừa gây được sự bất ngờ.
- Tên truyện góp phần thể hiện tư tưởng mà người viết muốn gửi gắm. Đừng để búp bê phải chia tay, đừng để em gái phải chia tay búp bê, đừng để các em bé ngây thơ, vô tội phải chịu cảnh chia lìa vì gia đình đổ vỡ.
9. Tại sao Thành lại cảm thấy: “Kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật” khi dẫn em ra khỏi trường?
Gợi ý:
- Thành thấy kinh ngạc vì trong khi mọi việc đang diễn ra rất bình thường, cảnh vật vẫn rất đẹp, cuộc đời vẫn bình yên... ấy thế mà hai anh em lại phải chịu sự mất mát và đổ vỡ quá to lớn. Nói cách khác em ngạc nhiên vì trong tâm hồn của mình đang nổi dông, nổi bão khi sắp phải chia tay với đứa em gái nhỏ thân thiết, cả đất trời như sụp đổ trong tâm hồn em. Thế mà bên ngoài mọi người và trời đất vẫn ở trạng thái bình thường. Đây là một diễn biến tâm lý được tác giả miêu tả rất chính xác, là nét tâm lý thường thấy ở những người đang đau khổ nên nhìn ra xung quanh thấy mọi vật đều rất “trớ trêu” với mình. Nó làm tăng thêm nỗi buồn sâu thẳm trạng thái thất vọng, bơ vơ của nhân vật trong truyện.
10. Vì sao tên truyện là “Cuộc chia tay của những con búp bê” trong khi búp bê thực tế không hề xa nhau?
Gợi ý:
- Tác giả muốn làm một ẩn dụ về cuộc chia tay của các em bé khi gia đình tan vỡ. Những con búp bê vốn là đồ chơi ưa thích của tuổi thơ, nhất là những em bé gái, thường gợi lên thế giới trẻ em với sự ngộ nghĩnh, trong sáng, ngây thơ, vô tội. Búp bê không có lỗi gì cả, chúng cũng trong sáng, vô tư, hồn nhiên như hai anh em Thành và Thủy. Song chúng phải chia tay, theo hai anh em đi về hai nơi khác nhau. Cuộc chia tay của chúng là do người lớn gây nên. Tên truyện đã gợi ra một tình huống buộc người đọc phải theo dõi và góp phần thể hiện được ý đồ tư tưởng mà người viết muốn thể hiện.
TIẾT 3: TỪ GHÉP
I. CỦNG CỐ LÝ THUYẾT:
1. Từ ghép có hai loại:
- Từ ghép chính phụ có tiếng chính và tiếng phụ bổ sung nghĩa cho tiếng chính. Tiếng chính đứng trước, tiếng phụ đứng sau.
- Từ ghép đẳng lập có các tiếng bình đẳng về mặt ngữ pháp (không phân ra tiếng chính, tiếng phụ).
2. Nghĩa của từ ghép:
- Từ ghép chính phụ có tính chất phân nghĩa. Nghĩa của từ ghép chính phụ hẹp hơn nghĩa của tiếng chính.
+ Tiếng chính có ý nghĩa chỉ loại, tiếng phụ thu hẹp ý nghĩa của tiếng chính; làm cho từ ghép chính phụ có nghĩa chỉ loại nhỏ trong loại mà tiếng chính biểu thị.
Ví dụ: Xe đạp, xe máy, xe ô tô... là các loại nhỏ của xe.
+ Ngoài ra tiếng phụ còn có tác dụng làm cho từ ghép chính phụ biểu thị các sắc thái khác nhau với nghĩa của tiếng chính.
Ví dụ: Đỏ au, đỏ hỏn, đỏ tươi... là các sắc thái khác nhau của đỏ.
- Từ ghép đẳng lập có tính chất hợp nghĩa. Nghĩa của từ ghép đẳng lập khái quát hơn nghĩa của mỗi tiếng tạo nên nó.
+ Từ ghép đẳng lập không thể trực tiếp kết hợp với các số từ. Không thể nói: Một sách vở.
+ Nghĩa của từ ghép đẳng lập có thể là nghĩa của một tiếng trong nó (xét ở thời điểm hiện nay) nhưng vẫn mang tính khái quát. Ví dụ: Chợ búa, gà qué... có nghĩa chỉ chợ nói chung, gà nói chung. Vì thế cũng không dùng để nói về chợ, gà cụ thể được. Không thể nói: Hà Nội lắm chợ búa quá hay hôm nay tôi đi hai chợ búa mà không mua được rau.
3. Lưu ý:
- Từ ghép là một loại từ phức được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có nghĩa với nhau nhưng cũng có một số tiếng trong cấu tạo từ ghép đã mất nghĩa, mờ nghĩa do sự phát triển lâu dài của lịch sử. Tuy vậy người ta vẫn xác định được đó là từ ghép chính phụ hay từ ghép đẳng lập nhờ ý nghĩa của nó.
+ Ví dụ: Tiếng “hấu” trong “dưa hấu”, “bươu” trong “ốc bươu”, “trích” trong “cá trích” không rõ nghĩa nhưng vẫn có thể khẳng định “dưa hấu, cá trích, ốc bươu” là từ ghép chính phụ vì nghĩa của các từ này hẹp hơn nghĩa của các tiếng chính.
+ Tiếng “má” trong “giấy má”, “lách” trong “viết lách”, “cáp” trong “quà cáp” cũng không còn rõ nghĩa, nhưng nghĩa của các từ “giấy má, viết lách, quà cáp” khái quát hơn nghĩa của “giấy, viết, quà” cho nên có thể khẳng định đây là những từ ghép đẳng lập.
- Một số tiếng trong từ ghép không còn rõ nghĩa nhưng có thể tìm thấy nghĩa trong tiếng địa phương, trong ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, trong các văn bản cổ.
+ Tiếng địa phương: Rú trong rừng rú là một loại rừng già (Nghệ Tĩnh), qué trong gà qué là gà (Thanh Hóa), cộ trong xe cộ là chỉ loại xe trượt không có bánh dùng để kéo gỗ ở rừng hoặc kéo lúa trên ruộng (Nam Bộ).
+ Ngôn ngữ dân tộc thiểu số: Nang trong cau nang là cau (Mường); ỏi trong ít ỏi là ít (Mường).
+ Văn bản cổ: Lệ trong e lệ là e, sợ; chác trong bán chác, đổi chác là mua, đổi.
II. BÀI TẬP VẬN DỤNG TRÊN LỚP:
1. Hãy sắp xếp các từ ghép sau thành hai nhóm: Từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ.
Xe máy, xe cộ, cá chép, nhà cửa, nhà máy, quần âu, cây cỏ, quần áo, xanh lè, xanh um, đỏ quạch, đỏ au, đỏ hỏn.
Gợi ý:
- Từ ghép đẳng lập: Xe cộ, nhà cửa, cây cỏ, quần áo.
- Từ ghép chính phụ: Xe máy, cá chép, nhà máy, quần âu, xanh lè, xanh um, đỏ quạch, đỏ au, đỏ hỏn.
2. So sánh nghĩa của từng tiếng trong nhóm các từ ghép sau đây:
a. Sửa chữa, đợi chờ, trông nom, tìm kiếm, giảng dạy.
b. Gang thép, lắp ghép, tươi sáng.
c. Trên dưới, buồn vui, đêm ngày, nhỏ to, sống chết.
Gợi ý:
a. Các tiếng trong từ ghép cùng nghĩa.
b. Các tiếng trong từ ghép gần nghĩa.
c. Các tiếng trong từ ghép trái nghĩa.
3. Giải thích nghĩa của từ ghép gạch chân trong các câu sau:
a. Mọi người phải cùng nhau gánh vác việc chung.
b. Bà con lối xóm ăn ở với nhau rất hòa thuận.
c. Chị Võ Thị Sáu có một ý chí sắt đá trước quân thù.
Gợi ý:
a. Chỉ sự đảm đương, chịu trách nhiệm.
b. Chỉ cách cư xử.
c. Chỉ sự cứng rắn.
4. Hãy tìm các từ ghép và từ láy có trong ví dụ sau:
a. Con trâu rất thân thiết với người dân lao động. Nhưng trâu phải cái nặng nề, chậm chạp, sống cuộc sống vất vả, chẳng mấy lúc thảnh thơi. Vì vậy, chỉ khi nghĩ đến đời sống nhọc nhằn, cực khổ của mình, người nông dân mới liên hệ đến con trâu.
b. Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười
Quên tuổi già tươi mãi tuổi hai mươi
Người rực rỡ một mặt trời cách mạng
Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng
Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.
Gợi ý:
a. Từ ghép: Con trâu, người dân, lao động, cuộc sống, cực khổ, nông dân, liên hệ.
Từ láy: Thân thiết, nặng nề, chậm chạp, vất vả, thảnh thơi, nhọc nhằn.
b. Từ ghép: Tuổi già, đôi mươi, mặt trời, cách mạng, đế quốc, loài dơi.
Từ láy: Rực rỡ, hốt hoảng, chập choạng.
5. Hãy chọn cụm từ thích hợp (trăng đã lên rồi, cơn gió nhẹ, từ từ lên ở chân trời, vắt ngang qua, rặng tre đen, những hương thơm ngát) điền vào chỗ trống để hoàn chỉnh đoạn văn dưới đây:
Ngày chưa tắt hẳn, ..... Mặt trăng tròn, to và đỏ ...., sau ..... của làng xa. Mấy sợi mây con......., mỗi lúc mảnh dần rồi đứt hẳn. Trên quãng đồng ruộng, .......hiu hiu đưa lại, thoang thoảng...... (Thạch Lam)
Gợi ý:
Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi. Mặt trăng tròn, to và đỏ từ từ lên ở chân trời, sau rặng tre đen của làng xa. Mấy sợi mây con vắt ngang qua, mỗi lúc mảnh dần rồi đứt hẳn. Trên quãng đồng ruộng, cơn gió nhẹ hiu hiu đưa lại, thoang thoảng những hương thơm ngát. (Thạch Lam)
6. Hãy viết một đoạn văn có sử dụng từ ghép và chỉ rõ các từ ghép được sử dụng trong đó.
- Hình thức: Viết đoạn văn (câu mở đoạn, các câu phát triển đoạn, câu kết đoạn).
- Nội dung: Chủ đề tự chọn.
- Nghệ thuật: Sử dụng từ ghép và gạch chân các từ ghép đó.
..................