Chia sẻ tài nguyên vô tận

https://linhhoitrithuc.com


Giáo viên chủ nhiệm với một số biện pháp giáo dục học sinh cá biệt

Trong hoàn cảnh đất nước đang trên đường đổi mới, hội nhập - với những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, đời sống vật chất và tinh thần con người ngày càng được cải thiện. Vì vậy, mỗi con người đều ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
SKKN
PHẦN 1

PHẦN MỞ ĐẦU
    1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
    Trong hoàn cảnh đất nước đang trên đường đổi mới, hội nhập - với những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, đời sống vật chất và tinh thần con người ngày càng được cải thiện. Vì vậy, mỗi con người đều ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
    Bên cạnh những mặt tích cực thì mặt trái của cơ chế thị trường cũng có những tác động tiêu cực ảnh hưởng xấu đến tầng lớp thanh, thiếu niên. Đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của ngành công nghệ thông tin, bên cạnh các lợi ích mà nó mang đến thì cũng có nhiều tiêu cực ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ, nhất là học sinh.
    Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, truyền hình thường xuyên đề cập đến vấn đề học sinh cá biệt, điển hình là tình trạng bạo lực học đường, HS vô lễ với thầy cô giáo, vi phạm nội quy nhà trường,... xảy ra ở nhiều trường học trên khắp cả nước, gây sự bất ổn trong dư luận, nhất là với gia đình và nhà trường.
    Hay đúng hơn, HSCB trường nào cũng có, lớp nào cũng có, gần như cấp học nào cũng có, nhưng điển hình nhất vẫn là HS cấp Trung học cơ sở. Vì trong một tập thể lớp luôn tồn tại những HS dễ giáo dục và những HS khó giáo dục. Những HSCB luôn có những hành vi tiêu cực, không phù hợp thì sẽ ảnh hưởng đến tập thể, những thành viên khác, thậm chí những đối tượng này còn gây cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm không ít sự bức xúc, trăn trở, có khi là bất lực.
    Học sinh cá biệt không chỉ là đối tượng làm cho nhà trường, GV lo lắng khi phải đầu tư nhiều công sức, giải pháp để GD mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bình yên trong mỗi tổ ấm gia đình và cả xã hội. Đặc biệt học sinh THCS đang ở độ tuổi được xem là “lứa tuổi thiếu niên” từ 11 đến 15 tuổi, lứa tuổi chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển tâm lí trẻ em, với những biến đổi về tâm – sinh lý, sức khỏe, nhận thức, tính “cá biệt” của một bộ phận HS ở lứa tuổi này có thể thực hiện những hành vi “cá biệt” gây ra những hệ quả khó lường, đáng tiếc nếu nhà trường, gia đình và địa phương thiếu sự quan tâm giáo dục thích hợp để ngăn chặn.
    Sau nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp, qua tìm tòi học hỏi đồng nghiệp, tham khảo phương pháp giáo dục trên các tạp chí GD, truyền hình và cả những tích lũy của bản thân sau những lần “va chạm” với HSCB của trường, lớp chủ nhiệm, tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm về giải pháp giáo dục HSCB. Vì vậy, tôi quyết định chọn sáng kiến kinh nghiệm với chủ đề “Giáo viên chủ nhiệm với một số biện pháp giáo dục học sinh cá biệt”. Với đề tài này tôi hy vọng được góp một phần tâm huyết nghề nghiệp của mình vào công việc giáo dục HS nói chung và HSCB nói riêng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay, đồng thời giúp cho đội ngũ GVCN chúng tôi hoàn thành tốt sự nghiệp “trồng người” của mình.
1.2. MỤC ĐÍCH CỦA SÁNG KIẾN
    Để bắt nhịp kịp với tiến trình phát triển nhảy vọt của khoa học – kĩ thuật, công nghệ thông tin, sự phát triển nhanh chóng của xã hội, mỗi con người cần phải trang bị những kiến thức, kĩ năng sống đúng đắn, phù hợp với thời đại. Bản thân chúng ta là những người làm nhiệm vụ “Trồng người” – nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của mỗi nhà giáo, vì vậy chúng ta cần phải giúp HS trang bị chắc chắn những kiến thức, kĩ năng cơ bản ấy để các em làm hành trang cho tương lai. Nhưng đối với những HSCB, để cảm hóa được các em là một vấn đề nan giải của ngành giáo dục nói riêng và XH nói chung.
    Chính vì lẽ đó, để thực hiện tốt sáng kiến này cũng như vận dụng vào quá trình GD về sau, tôi đã xác định mục đích chính của mình:
    Từng bước giáo dục những HS “chưa ngoan” trở thành học sinh ngoan, giúp các em nhận thức được hậu quả của những hành vi tiêu cực và thay đổi thái độ của mình trong học tập, rèn luyện theo chiều hướng tích cực.
    Giúp HS nhận thức đúng về điểm mạnh, điểm yếu cũng như những giá trị của bản thân, để các em thấy rằng mình không hề kém cỏi, từ đó có thể vứt bỏ được sự tự ti, mặc cảm, chủ động hòa nhập với bạn bè.
    Giúp các em nhận thấy được công lao sinh thành, dưỡng dục to lớn của cha mẹ; sự tận tâm, vất vả của thầy cô trong sự nghiệp dạy dỗ, truyền đạt tri thức, đạo đức cho HS và từ đó các em có những đắn đo, suy nghĩ mà thay đổi thái độ, cố gắng học tập – rèn luyện phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi.
    Hướng cho HS xác định được mục đích học tập và rèn luyện của bản thân, sống có lí tưởng, hoài bão; có tính kỷ luật, suy nghĩ tích cực trước khi hành động một việc.
    Mục đích cuối cùng của sáng kiến là nâng cao chất lượng học tập và đạo đức của HS, giúp các em phát triển một cách toàn diện.
    Với lòng yêu nghề, ý thức được trách nhiệm của người GVCN tôi luôn quan sát, quan tâm, tìm hiểu, lắng nghe và chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của HS lớp chủ nhiệm để hoàn thành  nhiệm vụ GD một cách hiệu quả.
1.3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
    1.3.1. Đối tượng
    Học sinh của lớp 6A năm học 2015 – 2016 và hiện nay là lớp 7A Trường THCS Phổ Vinh, những HS thường xuyên có những hành vi không mong đợi – học sinh cá biệt.
    1.3.2. Phạm vi
    Trong đề tài này tôi chỉ đưa ra một số biện pháp giáo dục HSCB của lớp 6A (nay là 7A) với 4 dạng cá biệt điển hình của lớp: tự kỉ, chán học, thường xuyên vi phạm nội quy nhà trường và chơi điện tử.
    Trong quá trình nghiên cứu tôi có tham khảo và nhờ sự hỗ trợ của Ban giám hiệu (BGH), Tổng phụ trách Đội (TPTĐ), Đoàn thanh niên, gia đình HS và các ban ngành đoàn thể tại địa phương.
1.4. QUÁ TRÌNH VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
    Để có được những kinh nghiệm giảng dạy và GD học sinh từ nhiều năm thông qua công tác chủ nhiệm lớp, tình hình chung của trường, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tài liệu tập huấn chủ nhiệm,... tôi tiến hành từng bước: quan sát, điều tra, tìm hiểu, phân loại HS lớp chủ nhiệm. Với HSCB tôi tiến hành phân dạng cá biệt và tìm hiểu nguyên nhân để từ đó tìm ra những biện pháp GD phù hợp nhất.
    Tôi đã thử vận dụng một số biện pháp này từ năm học 2015 – 2016 đối với lớp 6A và gợi ý cho một số GVCN các lớp cũng đã áp dụng và mang lại kết quả tương đối khả quan.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây